Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kế hoạch và đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, bao gồm các lĩnh vực:
Tham mưu tổng hợp, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Tổ chức thực hiện và kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, đầu tư trong nước, ngoài nước ở địa phương; Quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; Đấu thầu; Đăng ký kinh doanh trong phạm vi địa phương; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.
|
Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định, Chỉ thị về quản lý các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hàng năm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.
2. Trình UBND tỉnh phê duyệt; bố trí kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương; các cân đối về kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3. Thẩm định các quy hoạch, kế hoạch của các Sở, ban, ngành tỉnh và quy hoạch, kế hoạch của UBND huyện, thị xã trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
4. - Trình UBND tỉnh quyết định về danh mục các dự án đầu tư trong nước, các dự án thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho từng kỳ kế hoạch và điều chỉnh trong trường hợp cần thiết; về tổng mức vốn đầu tư của toàn tỉnh; về bố trí cơ cấu vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực, bố trí danh mục dự án đầu tư và mức vốn cho từng dự án thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý; phân bổ vốn vay tín dụng Nhà nước hàng năm; tổng hợp phương án phân bổ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác do tỉnh quản lý trên địa bàn.
- Thẩm định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh; cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
- Giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đầu tư và cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật.
5. Quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn viện trợ phi Chính phủ: Vận động, thu hút, điều phối quản lý vốn ODA và các nguồn viện trợ phi Chính phủ của tỉnh; hướng dẫn các Sở, ban, ngành tỉnh xây dựng danh mục các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và các nguồn viện trợ phi Chính phủ; tổng hợp danh mục các chương trình dự án sử dụng ODA và các nguồn viện trợ phi Chính phủ trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
6. Quản lý Nhà nước về đấu thầu: Thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả xét thầu các dự án hoặc gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh; hướng dẫn, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu; Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh.
7. - Quản lý doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh và kinh tế hợp tác xã:
- Trình UBND tỉnh chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý; Thẩm định các đề án thành lập, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý; Tổ chức thực hiện đăng ký kinh doanh cho các đối tượng trên địa bàn thuộc thẩm quyền của Sở;
- Hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký kinh doanh cho cơ quan chuyên môn quản lý về kế hoạch và đầu tư cấp huyện, thị; kiểm tra, theo dõi, xử lý các vi phạm sau đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa phương;
- Đề xuất các mô hình, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình; hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
8. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
9. Quản lý biên chế, tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định; theo dõi công tác thi đua khen thưởng; tổ chức cán bộ,, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2000; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
|